Ngành đóng tàu Việt Nam đang dần trở thành “thế lực” cạnh tranh trên bản đồ thế giới

Thursday, 06/07/2023, 13:34 GMT+7
  • zalo

Từ năm 2020 đến nay, trong khi nhiều lĩnh vực kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19, thì ngành đóng tàu của Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc và đang từng bước khẳng định mình trên thương trường quốc tế…

Ngành đóng tàu đang trỗi dậy mạnh mẽ.

Triển Lãm Thiết bị Máy móc Hàng hải và Đóng tàu Việt Nam (Vietnam International Marine, Shipbuilding & Offshore Expo 2023 – VIMOX 2023) diễn ra trong các ngày 5-7/7/2023 tại Cung Triển lãm Xây dựng, Quy hoạch Kiến trúc Quốc gia, Hà Nội.

Trong khuôn khổ sự kiện, có 3 hội thảo chuyên đề: “Triển vọng và phát triển ngành công nghiệp đóng tàu tại Việt Nam”; “Giải pháp công nghệ trong ngành đóng tàu”; “Vận tải hàng hóa bằng đường biển”.

KẾT NỐI VIỆT NAM – SINGAPORE TRONG NGÀNH ĐÓNG TÀU

Ông Kenny Yong, Tổng Giám đốc Tập đoàn Fireworks Trade Media nhận định, ngành công nghiệp đóng tàu của Việt Nam đã nổi lên như một thế lực cạnh tranh không thể xem thường, thể hiện sự tăng trưởng, khả năng phục hồi và thích ứng đáng kể. Với đường bờ biển trải dài, lực lượng lao động lành nghề và vị trí địa lý chiến lược, Việt Nam sở hữu lợi thế độc nhất trong việc nắm bắt các cơ hội do ngành hàng hải toàn cầu mang lại.

“Việt Nam là quốc gia có vị trí địa lý hàng hải quan trọng, nơi có nhiều tuyến hàng hải đi qua và là điểm đến hấp dẫn của nhiều quốc gia. Vì vậy, tiềm năng cho thị trường đóng tàu là rất lớn. Do đó, việc hợp tác trong lĩnh vực đóng tàu, công nghệ đóng tàu có ý nghĩa vô cùng quan trọng”.

Ông Kenny Yong, Tổng Giám đốc Tập đoàn Fireworks Trade Media.

Ông Kenny Yong cho biết Fireworks Trade Media là đơn vị tổ chức Triển lãm đa quốc gia, với nhiều năm kinh nghiệm trong việc tổ chức Triển lãm về ngành Hàng hải Đóng tàu ở các nước như Thái Lan, Phillipines, Malaysia, Indonesia, Banglades.

Triển lãm VIMOX 2023 là nơi cập nhật những công nghệ tiến bộ, đổi mới cũng như chuyên môn trong lĩnh vực công nghệ hàng hải và đóng tàu. Nơi đây hội ngộ những doanh nghiệp, chuyên gia có nhiều kinh nghiệm của ngành đóng tàu trên thế giới, sẽ truyền cảm hứng và mang đến nhiều dự định mới trong lĩnh vực công nghiệp đóng tàu tại Việt Nam trong tương lai.

“Không thể phủ nhận tiềm năng mở rộng và nâng cao lĩnh vực đóng tàu Việt Nam. Triển lãm VIMOX 2023 chắc chắn sẽ đóng vai trò là chất xúc tác để khai phá những tiềm năng này. Chúng ta hãy hướng tới một tương lai nơi ngành công nghiệp đóng tàu của Việt Nam tỏa sáng trên thị trường thế giới”, ông Kenny Yong chia sẻ.

Tiến Sĩ Hoàng Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoc học kỹ thuật công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam (VISIA) cho biết VISIA là tổ chức Xã hội nghề nghiệp bao gồm các Học viện, nhà trường đào tạo nguồn nhân lực, các nhà sản xuất, kiểm tra chất lượng và đông đảo các nhà khoa học chuyên ngành về công nghiệp tầu thủy.

VISIA phối hợp với Fireworks Trade Media và Công ty TNHH FIREWOKS SINGAPORE đồng tổ chức VIMOX-2023 nhằm kết nối giữa hai bên Việt Nam và Singapore trong công nghiệp đóng và sủa chữa tàu thủy. Hội tụ tại sự kiện có rất nhiều doanh nghiệp cung ứng Vật tư thiết bị, phần mềm thiết kế, khoa học công nghệ tầu thủy quốc tế.

Theo ông Hoàng Hùng, nghành Công nghiệp tầu thủy Việt Nam bị chậm lại và gặp nhiều khó khăn trong những năm đầu của thập kỷ 2000 do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu và những khó khăn riêng của nền kinh tế Việt Nam. Việc này kéo theo các đơn đặt hàng cho ngành đóng tầu Việt Nam giảm đi nhiều, thậm chí có những giai đoạn không có, dẫn đến nhiều nhà máy đóng tầu phải chuyển đổi sản xuất kinh doanh hoặc phá sản.

KHÓ KHĂN QUA ĐI, THỜI CƠ PHÁT TRIỂN ĐÃ ĐẾN

TS Hoàng Hùng cho hay, tình trạng suy thoái của ngành đóng tàu nước ta đã dần qua đi. Hiện nay ngành đóng tàu đang phục hồi, các cơ sở đóng tàu phát triển ở khắp các địa phương trải dài từ Bắc đến Nam.

 

 

Hiện cả nước có khoảng gần 120 các cơ sở đóng tàu lớn nhỏ, với sản lượng hàng năm tăng gấp mười lần so với thập kỷ trước, thay vì trước đây chỉ tập trung tại các khu vực tỉnh thành phát triển kinh tế như Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh.

"Ngành đóng tầu Việt Nam với gần 70% vật tư thiết bị đang phải nhập ngoại, đây là dư địa rất lớn giành cho các nhà cung ứng  vật tư thiết bị trong ngoài nước, đồng thời thúc đẩy ngành Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phát triển…". - Tiến Sĩ Hoàng Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoc học kỹ thuật công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam.

Các cơ sở thiết kế, cung ứng vật tư thiết bị phuc vụ cho ngành cũng cũng phát triển về số lượng đảm nhiệm thiết kế được những sản phẩm có tính năng chuyên dụng và hàm lượng về khoa học công nghệ cao. Cung ứng thiết bị vật tư với các chủng loại đa dạng đáp ứng đầy đủ cho các cơ sở đóng và sửa chữa tàu.

Tại phiên hội thảo “Triển vọng và phát triển ngành công nghiệp đóng tàu tại Việt Nam”, ông Phạm Bình Minh - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần kỹ thuật đóng tàu Việt Nam (VISEC)  trình bày tham luận: “Một thế hệ tàu chở hàng mới được thiết kế và đóng tại Việt Nam”.

Theo ông Minh, tổng số đội tàu biển của Việt Nam hiện có hơn 1.600 tàu vận tải hàng hóa, với tổng trọng tải khoảng 12-13 triệu DWT. Mặc dù vậy, 95% thị phần vận tải biển hàng hóa xuất khẩu Việt Nam vẫn dành cho các hãng tàu nước ngoài, Việt Nam chỉ đang đảm nhiệm 5%. Thực tế, phần lớn tàu biển ở Việt Nam đã trên 15 tuổi, công nghệ cũ không phù hợp với việc vận chuyển hàng hóa. Một bất cập nữa là cơ cấu đội tàu của Việt Nam phát triển chưa hợp lý, tàu trọng tải nhỏ trong tình trạng dư thừa, trong khi lại thiếu các loại trọng tải lớn vận tải quốc tế.

Từ năm 2020 đến nay, trong khi nhiều lĩnh vực kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19 thì ngành đóng tàu của Việt Nam lại khởi sắc trong và sau đại dịch. Nhiều doanh nghiệp đóng tàu Việt Nam đã nắm bắt tốt cơ hội và chuyển mình mạnh mẽ, đã có những bước phát triển vượt bậc và đang từng bước khẳng định mình trên thương trường quốc tế. Ngành đóng tàu Việt Nam đã đóng được các tàu chuyên dụng, tàu có sức chở lớn đến 50-60 nghìn tấn và hướng tới đóng tàu 110 nghìn tấn.

“Hàng loạt các dự án đóng tàu lớn tại Việt Nam đã có sự tham gia tư vấn thiết kế của chúng tôi như: Tàu hàng tổng hợp trọng tải 17.500 tấn xuất khẩu đóng tại nhà máy đóng tàu Bạch Đằng; Tàu chở dầu trọng tải 100.000 tấn đóng tại nhà máy đóng tàu Dung Quất… Tất cả các sản phẩm này đã được VISEC hoàn thành với chất lượng tốt nhất, thoả mãn mọi yêu cầu khắt khe của chủ tàu và cơ quan đăng kiểm trong và ngoài nước”, ông Minh khẳng định.

Tại hội thảo, ông Bùi Ngọc Thuận, Tổng Giám đốc Công Ty TNHH Quốc Tế SeaDream Marina cũng đã trình bày tham luận “Cơ hội cho Việt Nam trong ngành công nghiệp tàu thuyền và du thuyền giải trí”. PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam với tham luận “Phát triển ngành nuôi biển Việt Nam và nhu cầu ngành công nghiệp đóng tàu”.

Theo các chuyên gia, hiện ngành đóng tàu Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Do thị trường xuất khẩu hàng hóa năm 2023 suy giảm, nên các chủ tàu Việt Nam không dám đầu tư đóng mới. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp đóng tàu đang phải đối mặt với những khó khăn về vấn đề tài chính do các khoản nợ đầu tư lớn tại các ngân hàng chưa được tái cơ cấu; việc vay vốn ngân hàng để sản xuất gặp khó.

Theo VnEconomy

There are 0 products in the basket
Your cart is empty